Hoạt động chuyển nhượng sôi động
Thương vụ lớn nhất phải kể đến là Tập đoàn Mapleetree mua lại Tổ hợp Kumho Asiana Plaza từ liên doanh Hàn Quốc là Kumho Industrial và Asiana Airlines, được biết thương vụ này sẽ giúp Mapletree mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam và nâng khối lượng tài sản của tập đoàn này ở Việt Nam lên hơn 1 tỉ đô-la Singapore.
Nằm dọc theo đại lộ Lê Duẩn và Hai Bà Trưng ở trung tâm của khu thương mại trung tâm TP.HCM, Kumho Asiana Plaza được biết đến là một dự án phức hợp với tổng diện tích sàn gần 146.000 m2. Tòa nhà bao gồm văn phòng hạng A, căn hộ dịch vụ và một khách sạn của InterContinental Hotels Group quản lý. Ngày 1/7, Savills Việt Nam cũng công bố về thương vụ khách sạn Duxton Saigon được nhà đầu tư Singapore Low Keng Huat chuyển nhượng lại với mức giá 49 triệu USD, Duxton Saigon là khách sạn 4 sao tọa lạc tại khu phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) với quy mô 191 phòng ở hạng sang, 16 phòng họp và nhiều tiện nghi khác.
Trước đó, trong quý 1/2016 thông tin về vụ chuyển nhượng khách sạn Novotel Saigon Centre cũng thu hút được sự quan tâm của giới địa ốc. Cụ thể, CTCP Quê Hương Liberty công bố đã chuyển nhượng 100% vốn góp tại Công ty TNHH MTV Khách sạn Quốc tế Thiên Phúc, đơn vị sở hữu và có quyền khai thác khách sạn Novotel Saigon Centre. Đây là khách sạn tiêu chuẩn 4 sao được xây dựng trên khu đất khách sạn Quê Hương 1 trước đây, tại địa chỉ 165 – 167 Hai Bà Trưng, Quận 3, TP.HCM. Quy mô khách sạn bao gồm 3 tầng hầm, 18 tầng cao với 250 phòng tiêu chuẩn cao cấp.
Theo báo cáo của Quê hương Liberty, giá trị công ty đầu tư vào Thiên Phúc là 670 tỉ đồng và lãi khoảng 380 tỉ đồng từ giao dịch này, như vậy khách sạn Novotel Saigon Centre được bán với giá khoảng 1.050 tỉ đồng (tương đương với 43 triệu USD). Tuy chưa công bố bên mua nhưng theo nguồn tin từ CafeF, khách sạn này đã được bán cho CTCP Đầu tư Sài Gòn Green View (SGGV Investment).
Nửa đầu năm 2016, thị trường khách sạn Việt Nam ghi nhận nhiều thương vụ chuyển nhượng lớn
Như vậy, nửa đầu năm 2016, thị trường bất động sản TP.HCM ghi nhận loạt thương vụ chuyển nhượng khách sạn quy mô lớn và đều nằm ở vị trí khá đắc địa. Trong khi đó, tại thị trường Hà Nội, mặc dù giao dịch không thực sự sôi động, nhưng cũng ghi nhận một thương vụ chuyển nhượng khá quy mô.
Cụ thể, theo thông tin từ CBRE công bố trong báo cáo thị trường quý 2, khách sạn Sedona Suites Hanoi vừa mới được Tập đoàn Keppel Land bán lại cho BRG, giá trị của thương vụ này là 31,5 triệu USD.
Theo giới thiệu của Keppel Land Việt Nam, Sedona Suites Hanoi là một tổ hợp khách sạn tọa lạc trên bờ rìa hướng Đông Bắc của Hồ Tây, Hà Nội. Khách sạn bao gồm 175 căn hộ và biệt thự dịch vụ cho thuê, cùng với nhà câu lạc bộ với các dịch vụ giải trí. CBRE cũng cho hay, trong quý III/2016 thị trường sẽ chứng kiến sự ra mắt mới của khách sạn Sofitel Plaza Hanoi, khi được cải tạo lại và đổi tên thành Khách sạn Pan Pacific.
Thị trường nhiều tiềm năng
Theo nhận định của ông John Gardner, CEO của khách sạn Caravelle Sài Gòn các thương vụ chuyển nhượng khá sôi nổi trên thị trường khách sạn thời gian qua là tín hiệu tốt cho thấy nhà đầu tư đang quan tâm và đẩy mạnh rót vốn vào thị trường này. Tuy nhiên, nhà đầu tư sẽ cần tìm hiểu về đặc điểm của thị trường để đầu tư hiệu quả.
“Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi rất nhiều khách sạn của các chủ đầu tư trong nước chưa hiểu rõ về cách thức vận hành của một khách sạn quốc tế, đây sẽ là một trở ngại để thu hút nhà đầu tư trong thời gian tới”. Ông Gardner cho hay.
Còn theo một nghiên cứu của Savills Việt Nam, những năm gần đây, Việt Nam đang trở thành điểm đến du lịch có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, cùng với đó, các nhà đầu tư cũng hướng sự chú ý tới thị trường khách sạn nhiều hơn. Sự phát triển của thị trường được minh chứng qua nhiều giao dịch chuyển nhượng thành công. Savills kỳ vọng rằng nhà đầu tư sẽ tiếp tục quan tâm hơn tới thị trường và sẽ có nhiều thương vụ chuyển nhượng tại thị trường khách sạn được thực hiện trong năm 2016. Tiềm năng của thị trường cũng được thể hiện qua doanh thu tăng trưởng, cụ thể theo công bố mới đây của Công ty tư vấn Grant Thornton về ngành Dịch vụ Khách sạn tại Việt Nam, trong năm 2015, ngành này thu về khoảng 338 nghìn tỉ đồng (tương đương 15 tỉ USD), cao hơn con số 10,75 tỉ USD năm 2014. Doanh thu năm 2015 cải thiện chủ yếu là nhờ số lượng khách trong nước tăng 48%, đạt tới 57 triệu lượt khách.
Phân tích theo xếp hạng sao khách sạn của Thornton cho thấy, năm 2015 giá phòng bình quân của phân khúc khách sạn 4 sao giảm 17,1% từ 87,2 USD xuống còn 72,3 USD. Trong khi đó, tình hình tại phân khúc khách sạn 5 sao khả quan hơn, giá phòng bình quân tăng 1,2% từ 110,1 USD năm 2014 lên 111,4 USD năm 2015. Công suất phòng trung bình năm 2015 của các khách sạn cao cấp tăng nhẹ 1,2% từ 60,3% lên 61,5% đối với khách sạn 4 sao, và tăng 1,6% từ 61,1% lên 62,7% đối với khách sạn 5 sao.
Đăng ký Quản lý khách sạn Skyhotel
Tiềm năng thị trường khách sạn Việt Nam qua loạt thương vụ chuyển nhượng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét