Vụ việc về 6 khách sạn mới đây vừa bị Tổng cục Du lịch công bố thu hồi quyết định công nhận hạng sao đã dấy lên nhiều phản hồi tranh cãi về việc cấp sao để phân hạng cho các khách sạn.
Chỉ trong 10 ngày, Tổng cục Du lịch đã thu hồi quyết định công nhận hạng sao đối với 6 khách sạn trên cả nước, trong đó có 5 khách sạn bị thu hồi trong ngày 20/06/2016. Đó là các khách sạn: Hạ Long Pearl (4 sao, TP. Hạ Long), Asean Hạ Long (4 sao. TP. Hạ Long), Starcity Hạ Long Bay (4 sao, TP. Hạ Long), Festival Huế (3 sao, TP. Huế), The Light Nha Trang (4 sao, TP. Nha Trang). Trước đó là khách sạn 4 sao MBC Hà Tĩnh, TP. Hà Tĩnh.
Khách sạn Hạ Long Pearl là một trong số 6 khách sạn vừa bị Tổng cục Du lịch thu hồi quyết định cấp sao. |
Tại sao phải có sao?
Câu chuyện Tổng cục Du lịch thu hồi quyết định công nhận hạng sao đối với 6 khách sạn kể trên đang trở thành đề tài tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn. Sự kiện này vô tình trở thành một minh chứng “kinh điển” về việc nhà nước thực hiện cam kết chỉ đóng vai trò kiến tạo, nhưng việc thực hiện của các Bộ, ngành lại không được nhất quán.
Quyết định của Tổng cục Du lịch là kết quả của việc ngày 11/5/2016, Tổng cục Du lịch có văn bản yêu cầu các cơ sở lưu trú du lịch trong toàn quốc nhanh chóng kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật của cơ sở lưu trú; nâng cấp, sửa chữa, thay thế kịp thời trang thiết bị xuống cấp, hư hỏng, bảo đảm cơ sở lưu trú du lịch từ 3-5 sao phải đồng bộ, chất lượng và chuyên nghiệp.
Nhận định về việc này, PGS-TS. Võ Trí Hảo – Phó Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh – cho rằng, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở lưu trú là điều nên làm, tuy nhiên việc quản lý sao cho khách sạn, bao gồm cấp sao và thu hồi quyết định cấp sao, không nên là việc của nhà nước. Thay vào đó, việc này nên được trao cho một hiệp hội trong ngành, chẳng hạn như Hiệp hội khách sạn hay Hiệp hội du lịch…
PGS-TS. Võ Trí Hảo cho rằng, khi hiệp hội đảm nhận vai trò cấp sao cho khách sạn sẽ giảm nguy cơ xảy ra tiêu cực, bởi hiệp hội có quy tắc cạnh tranh, thay vì vai trò độc quyền duy nhất của nhà nước. “Ở đây có thể hiểu tương tự như việc công bố xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng thương mại không phải là việc làm của Ngân hàng Nhà nước, mà là một tổ chức tín dụng quốc tế có uy tín. Chẳng hạn như Stadard & Poor, nếu họ làm sai thì đã có Moody’s, và nếu Moody’s làm sai sẽ có tổ chức thứ ba đứng ra thay thế. Cũng như việc song song với TOEFL có IELTS, chứ không phải là duy nhất. Lợi thế của hiệp hội là như vậy,”. PGS-TS. Võ Trí Hảo phân tích.
Hơn nữa, khi Nhà nước không có nhu cầu gắn bó chặt chẽ với cơ sở lưu trú nên có thể phản ứng chậm chạp trong việc điều chỉnh quy phạm pháp luật, và có thể dẫn đến sai lầm. Lấy ví dụ, Nghị viện châu Âu từng thảo luận về việc hiện nay mỗi dòng điện thoại tương thích với một loại sạc khác nhau. Samsung, HTC, Apple, Microsoft… đều cho ra những loại sạc khác nhau cho từng dòng sản phẩm điện thoại riêng rẽ. Điều này dẫn đến phiền toái cho người dùng và gánh nặng trong việc xử lý rác thải công nghệ. Nếu tất cả dùng chung một loại sạc duy nhất sẽ khắc phục được tình trạng trên.
“Vậy cơ quan lập pháp lựa chọn chuẩn nào để áp dụng? Mỗi hãng đều có những ưu, nhược điểm riêng, chỉ cần có một phê chuẩn về quy chuẩn theo một hãng nào, các hãng còn lại sẽ yếu thế ngay lập tức, thậm chí có thể phá sản, làm đảo lộn thị trường. Hơn nữa, công nghệ thay đổi theo từng ngày, lấy gì để đảm bảo rằng sự lựa chọn hôm nay là đúng đắn? Cuối cùng, Nghị viện châu Âu đã lựa chọn không can thiệp vì họ rằng sự can thiệp có thể làm cản trở công nghệ, cản trở thị trường. Do vậy, Nhà nước chỉ nên can thiệp khi nào thị trường không hiệu quả,” PGS-TS. Võ Trí Hảo lấy ví dụ.
Thị trường sẽ quyết định?
Nhiều ý kiến cho rằng nên mạnh dạn bỏ hẳn quy định gắn sao cho các cơ sở lưu trú, việc xếp hạng chất lượng dịch vụ là của thị trường, đó là các tổ chức độc lập có uy tín kiểu như Michelin Guide đối với lĩnh vực ẩm thực.
Đáng chú ý là quyết định của Tổng cục Du lịch đưa ra trùng với thời điểm Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò kiến tạo của Nhà nước, nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, triệt tiêu cơ chế xin – cho.
Theo Luật sư Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực, xu thế hiện nay là chuyển dần vai trò của Nhà nước từ dịch vụ công sang các tổ chức xã hội, điều này thể hiện sự phát triển của xã hội khi những lĩnh vực nào nhà nước không cần thiết phải làm thì giao cho tư nhân và các tổ chức xã hội.
Đồng tình với Luật sư Lê Anh Văn, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam, cho rằng có thể 10 năm trước đây người ta nói rằng một tổ chức dịch vụ công phục vụ cộng đồng sẽ tốt hơn rất nhiều một tổ chức ngoài công lập, nhưng bây giờ chưa hẳn đã thế. “Xu hướng bây giờ đã khác và chúng tôi mong muốn các hiệp hội được thực hiện một số dịch vụ công nào đó mà chúng tôi nghĩ rằng khu vực tư nhân làm tốt,” ông Tô Hoài Nam nói.
Là một trong những người chấp bút cho Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV, ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cho rằng: “Về mặt nguyên lý, Nhà nước kiến tạo có nghĩa là nhà nước đưa ra một nguyên tắc được tạo lập trong môi trường để điều chỉnh vĩ mô một cách chung nhất, sau đó cần tránh can thiệp vào các vai trò nếu như sự can thiệp đó gây bất lợi cho người dân và doanh nghiệp”.
Ông Nguyễn Hoa Cương cho rằng, cần hiểu khái niệm Nhà nước kiến tạo là nguyên tắc chung trong việc xây dựng pháp luật nói chung. Còn trong một số lĩnh vực nào đó, ví dụ thị trường hay xã hội tồn tại những bất bình đẳng, khi đó Nhà nước vẫn phải có một số hành động về mặt pháp lý, bản thân việc xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là một hành động như thế.
Luật Du lịch:
Điều 63
1. Cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng:
a) Khách sạn và làng du lịch được xếp 5 hạng: từ 1 đến 5 sao.
b) Biệt thự du lịch và căn hộ du lịch được xếp hai hạng: đạt tiêu chuẩn, đạt tiêu chuẩn cao cấp.
Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương thẩm định xếp hạng 3 đến 5 sao.
Cơ quan nhà nước về du lịch cấp tỉnh thẩm định, xếp hạng 1 đến 2 sao.
Sau 3 năm phải thẩm định lại để được tiếp tục công nhận.
Điều 64:
Tổ chức, cá nhân kinh doanh lưu trú du lịch phải đăng ký kinh doanh lưu trú du lịch, xin chứng nhận xếp hạng cơ sở lưu trú (sao).
Mục tiêu của chính sách (Điều 5)
- Góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại và giao lưu quốc tế để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
- Bảo đảm sự tham gia của mọi thành phần kinh tế, mọi tầng lớp dân cư trong phất triển du lịch.
Đăng ký Quản lý khách sạn Skyhotel
Các chuyên gia nói gì về vụ một loạt khách sạn bị rút hạng sao?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét