Phần mềm quản lý khách sạn, Phần mềm quản lý resort | skyhotel.vn

Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

Quản lý Nhà hàng - khách sạn: Một trong những ngành nghề mũi nhọn

Quản lý nhà hàng – khách sạn (NH – KS) được nhiều bạn trẻ chọn lựa. Học ngành này, học viên không chỉ được đào tạo tay nghề mà còn được cung cấp kiến thức về các lĩnh vực quản trị, tài chính, quan hệ công chúng, quản lý nhân sự…


Anh Trần Khánh Huy – thâm niên làm việc gần 10 năm trong lĩnh vực quản lý NH – KS tại Q.6, TP.HCM khái quát về nghề: “Đó là việc quản lý và tổ chức các hoạt động của NH hoặc KS sao cho hiệu quả và hợp lý nhất. Công việc chính thường bao gồm giám sát hoạt động của các bộ phận (tiền sảnh, nhà bếp, phục vụ phòng…), lập các báo cáo kết quả tài chính, các bản thu, chi; quản lý số phòng bán ra và phòng còn trống; chế biến thực phẩm; giải quyết khiếu nại của khách hàng, đào tạo, huấn luyện nhân viên… Ngoài ra, còn rất nhiều việc không tên khác mà người làm quản lý phải giám sát, bảo đảm doanh nghiệp hoạt động một cách hiệu quả. Điều đặc biệt quan trọng là người làm quản lý NH – KS phải có kỹ năng, chiến lược để tiếp thị, thu hút ngày càng đông khách hàng đến với doanh nghiệp để tạo ra lợi nhuận cao nhất”.




Người làm quản lý NH – KS phải có kỹ năng, chiến lược để tiếp thị, thu hút ngày càng đông khách hàng đến với doanh nghiệp để tạo ra lợi nhuận cao nhất

Thu nhập của nghề quản lý NH – KS là khá cao, 10 – 18 triệu/tháng đối với những KS cỡ trung, còn ở những KS hạng 3 – 5 sao, thu nhập có thể đạt từ 2.000 USD/tháng trở lên. Bên cạnh đó còn có nhiều khoản thu nhập khác như thưởng doanh thu, đi du lịch nước ngoài, tham gia các đợt tập huấn…Chị Nguyễn Thùy Dung, nhân viên nhà hàng Vườn Cau (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho rằng, nghề quản lý NH – KS thường đem lại khoản thu nhập cao hơn khá nhiều so với mặt bằng chung và có nhiều cơ hội thăng tiến. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, người quản lý phải biết cách lên kế hoạch làm việc cụ thể, khoa học cho từng bộ phận cũng như phân công và đôn đốc nhân viên thực hiện. Ngoài ra, họ phải có khả năng truyền nhiệt huyết cho những người xung quanh để tạo nên một tập thể năng động, hiệu quả. Tất nhiên, người quản lý dù tài giỏi cũng khó đương đầu với sức ép và sự căng thẳng của công việc nếu thiếu sự hỗ trợ hiệu quả của đồng nghiệp. “Không phải ai cũng là nhà quản lý ngay từ những ngày đầu tiên bước chân vào nghề. Rất nhiều quản lý giỏi trong NH – KS hiện nay từng trải qua những vị trí như phục vụ bàn, phụ bếp… Qua trải nghiệm thực tế, tích lũy kiến thức, chuyên môn sẽ giúp người làm quản lý ở NH – KS có thêm nhiều kinh nghiệm để làm việc tốt”, chị Thùy Dung khẳng định.


Nghề quản lý NH – KS đảm nhiệm nhiều công việc với những yêu cầu khác nhau về kiến thức và kỹ năng. Ngành quản lý và điều hành NH – KS là ngành học nhiều từ thực tiễn, cho nên các trường thường cân đối tương xứng giữa giờ lý thuyết và thực hành nhằm mang đến sự thoải mái trong quá trình học cũng như cung cấp cho học viên nhiều kinh nghiệm ngay cả khi họ chưa tốt nghiệp. Khi làm việc, do đặc thù môi trường thường xuyên tiếp xúc với nhiều người, nhất là người nước ngoài nên bạn cần tích lũy vốn ngoại ngữ để giao tiếp tốt, đồng thời cần tích lũy kiến thức thực tế,  nâng cao kỹ năng quản lý.


Việt Nam hiện có hơn 20 trường đang đào tạo về quản lý và điều hành NH – KS. Riêng TP.HCM có gần 10 trường đào tạo nghề NH – KS. Trong đó, Trường Quản lý khách sạn Việt Úc (VAAC) mỗi năm đào tạo được 1.800 sinh viên (hệ sơ cấp và trung cấp). Dù vậy, vào mùa cao điểm, VAAC không đủ nhân lực để cung ứng. Trường ĐH Hoa Sen năm 2011 đã đón nhận 404 sinh viên ngành du lịch – KS – NH hệ đại học và cao đẳng, 90% sinh viên ra trường đều có việc làm ngay.


Bà Trần Thị Xuân Quyên – Trưởng phòng Đào tạo VAAC nhận định: “Trong tương lai, nghề quản lý NH – KS hứa hẹn nhiều cơ hội, còn hiện tại do sự chênh lệch quá lớn về cung cầu lao động chất lượng cao trong ngành nên các NH – KS luôn phải cạnh tranh quyết liệt với nhau để thu hút các nhà quản lý có năng lực. Hiện nay chỉ có khoảng 40% nguồn nhân lực ngành quản lý NH – KS được đào tạo qua trường lớp chuyên ngành, số còn lại đều là “tay ngang”, không qua đào tạo hoặc làm trái ngành. Đứng trước bối cảnh cạnh tranh gay gắt của thị trường, nguồn nhân lực của ngành NH – KS cần phải được đào tạo bài bản, đạt yêu cầu về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học, nhất là nhân lực ở các cấp quản lý…”.




Ngành quản trị du lịch – KS – NH  của trường ĐH Hoa Sen  chú trọng bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm, nhằm giúp học viên có khả năng làm quản lý tại NH – KS cao cấp

Bà Nguyễn Thị Vân – Trưởng bộ môn Du lịch – KS – NH Trường ĐH Hoa Sen cho biết: ĐH Hoa Sen đã xây dựng ngành quản trị du lịch – KS – NH trở thành một trong những ngành nghề mũi nhọn của trường với nhiều bậc đào tạo, chú trọng bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm, nhằm giúp học viên có khả năng làm quản lý tại NH – KS cao cấp hoặc các công ty du lịch, lữ hành. Khi tốt nghiệp, SV sẽ được trường hỗ trợ để có được việc làm phù hợp với ngành học. Theo bà Vân, nếu muốn theo đuổi nghề quản lý NH – KS, trước hết các bạn trẻ phải thật sự đam mê và tìm hiểu kỹ đặc tính của nghề này là nghề phục vụ khách du lịch, cần có thái độ làm việc chuyên nghiệp và vốn ngoại ngữ. Cuối cùng là chọn trường đào tạo ngành này thật kỹ vì chất lượng đào tạo quyết định đến chất lượng nghiệp vụ chuyên môn và cơ hội việc làm.


Theo Quỳnh Mai


(Báo Phụ Nữ TP.HCM)


Đăng ký Phần mềm quản lý khách sạn, resort Skyhotel

Bot statistics for this page


Quản lý Nhà hàng - khách sạn: Một trong những ngành nghề mũi nhọn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét