Aristo - khách sạn 5 sao duy nhất sở hữu sòng bài tại Lào Cai, vốn là điểm đến quen thuộc của khách hàng Trung Quốc. Trước kia, bình quân mỗi ngày khách sạn đón khoảng 600 lượt khách ghé chân, lượng khách lưu trú thường xuyên duy trì bình quân 200 người. Tuy nhiên, từ khi bùng phát dịch Covid-19 tại Trung Quốc, đến nay, khách sạn này bỗng vắng hoe, hầu như không người lai vãng.
Khách sạn Aristo Lào Cai vắng hoe không mấy người lai vãng - (ảnh T.A). |
Theo ông Doãn Vương Công, quản lý Khách sạn Aristo Lào Cai, hiện tại chỉ còn độ 2 chục khách lưu lại chưa về nước do còn hạn visa, trong khi tổng đội ngũ nhân viên của khách sạn lên đến 700 người.
“Còn một khách chúng tôi vẫn phải phục vụ, khách sạn không thể đóng cửa. Giải pháp tình thế trước mắt của chúng tôi là cho nhân viên luân phiên nghỉ hết quỹ phép của năm rồi tính tiếp”, ông Công nói.
Cùng tình cảnh với Aristo, khách sạn Mường Thanh Lào Cai – nơi chủ yếu đón khách nội địa, đặc biệt là các khách hàng quen thuộc của hệ thống Mường Thanh cũng vắng tanh vắng ngắt. Hàng loạt phòng, cùng khoảng 500 suất ăn bị hủy ngay sau Tết Nguyên đán. Lần đầu tiên kể từ khi thành lập, có những ngày cả khách sạn không một khách nào lưu trú.
Ông Nguyễn Phương Anh, Phó Giám đốc Mường Thanh Lào Cai cho biết: “Khoảng 1 tháng nay, lượng khách sụt giảm tới 90%. Trong giai đoạn này, chúng tôi tranh thủ thời gian tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng cho nhân viên. Khách sạn cũng giảm bớt vận hành các thiết bị để tiết kiệm chi phí”.
Khu du lịch Sa Pa cũng chỉ còn rất ít du khách đến - (Ảnh N.B). |
Không riêng gì khách sạn, các doanh nghiệp lữ hành ở Lào Cai cũng hết sức “bi đát”. Như Công ty Du lịch quốc tế Bình Minh là một ví dụ, theo ông Lê Anh Đại – Giám đốc công ty, riêng lượng hủy tour dịp Tết vừa qua đã khiến doanh nghiệp mất trắng 1,5 tỷ đồng do vừa không có doanh thu, vừa mất tiền đặt cọc dịch vụ ăn nghỉ, giải trí cho khách. Để tiết giảm chi phí, trước mắt công ty phải tạm thời đóng cửa một số văn phòng, cho nghỉ 5 lao động phổ thông, còn lại chỉ duy trì điểm giao dịch chính và các lao động chuyên môn cao.
“Trong giai đoạn dịch, các doanh nghiệp lữ hành như chúng tôi đều phải hoạt động cầm chừng và chấp nhận chịu lỗ, thiệt hại đều có thể nhìn thấy bằng con số. Chúng tôi cũng đang cố gắng tìm kiếm sản phẩm mới để thích nghi, nhưng thực tế không hề dễ dàng”, ông Đại cho hay.
Mới đây, Hiệp hội Du lịch Sa Pa cũng phải lên tiếng “kêu cứu” Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan chức năng của tỉnh, xin giảm lãi suất ngân hàng, giảm thuế đối với các đơn vị thành viên khi hoạt động lữ hành của Khu du lịch quốc gia chỉ còn đạt 4 – 5% công suất.
Khu du lịch Sa Pa cũng chỉ còn rất ít du khách đến - (Ảnh N.B). |
Theo ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, những năm gần đây, du lịch Lào Cai ghi dấu ấn phát triển mạnh mẽ với hàng triệu lượt khách đến, mang về tổng doanh thu trung bình cả năm trên dưới 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Covid-19 thực sự là một “cú đấm trời giáng” tới ngành kinh tế mũi nhọn này của địa phương, đúng vào thời điểm sôi động nhất của năm thì mọi lễ hội bị tạm dừng, cửa khẩu tạm ngừng xuất nhập cảnh, du khách trong và ngoài nước hạn chế đi lại… Lần đầu tiên, quy luật “năm sau cao hơn năm trước” không còn được duy trì đối với ngành du lịch của Lào Cai. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2020, tổng lượng khách đến toàn tỉnh chỉ đạt khoảng 540.000 lượt, giảm gần 70% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng doanh thu cũng giảm.
“Chúng tôi đã gửi văn bản văn bản đề nghị các Hiệp hội Du lịch và Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành báo cáo ước thiệt hại cùng đề xuất kiến nghị. Tới đây, tỉnh sẽ tổ chức một cuộc Hội thảo nhằm tiếp thu ý kiến doanh nghiệp, cùng bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành kinh tế quan trọng này”, ông Dũng thông tin./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét