Phần mềm quản lý khách sạn, Phần mềm quản lý resort | skyhotel.vn

Thứ Ba, 8 tháng 12, 2020

Thấp thỏm đặt phòng trực tuyến

Nhiều rủi ro

Trong tháng 1 vừa qua, khách hàng Vũ Hiền (TPHCM) đặt phòng nghỉ tại Phú Quốc thông qua trang agoda.com với hình thức thanh toán trả tại khách sạn. Khi anh Hiền đặt xong trang web này vẫn yêu cầu nhập đầy đủ thông tin thẻ VISA của mình.

Vì tin tưởng chính sách bảo mật của trang đặt phòng quốc tế này, anh Hiền đã nhập toàn bộ thông tin thẻ tín dụng cá nhân. Ngày đến nghỉ tại khách sạn anh Hiền vô tình thấy tờ giấy nhân viên của khách sạn lấy ra kiểm tra, trong đó có tất cả thông tin về thẻ VISA của anh, từ tên số thẻ đến cả số thẻ CVC, ngày hết hạn…

Phía khách sạn cho biết toàn bộ thông tin do Booking cung cấp (Booking và Agoda cùng một chủ sở hữu). 

Với những thông tin trên ai cũng có thể sử dụng thẻ của anh Hiền và thanh toán cho giao dịch online nếu thẻ đó không bị khóa. Điều này đang gây nhiều nghi ngại cho các khách hàng đã đặt phòng qua Booking và Agoda. Chưa hết, việc đặt phòng trực tuyến thông qua các OTA (đại lý du lịch trực tuyến) còn ẩn chứa nhiều rủi ro khác.

Như việc đặt phòng, thanh toán xong nhưng đến nơi không có phòng ở với lý do… quá tải. Điển hình như việc một khách hàng tại TPHCM đặt phòng nghỉ tại Campuchia dịp tết năm 2017 qua agoda.com, nhưng qua tới nơi khách sạn này không nhận khách.

Đó là chưa muốn nói đến những chuyện như hình ảnh phòng đưa lên mạng rất đẹp, nhưng khi đến nơi khách đã thất vọng. Tất nhiên những rủi ro kể trên không phải thường xuyên xảy ra, nhưng thời điểm này khi mùa du lịch lớn nhất trong năm đang vào cao điểm, nhiều người đang đứng ngồi không yên. Chẳng ai muốn kỳ nghỉ đầu năm của mình và gia đình lại gặp xui rủi.

Làm gì để bảo vệ mình

Hiện nay có nhiều ý kiến băn khoăn việc các trang agoda.com hay booking.com chuyển toàn bộ thông tin thẻ tín dụng của khách cho khách sạn mà không mã hóa, liệu có vi phạm pháp luật?

Nói về vấn đề này, LS.TS Bùi Quang Tín cho rằng trước hết phải xem xét giữa khách hàng và các đơn vị như Booking hay Agoda có điều khoản cam kết cho phép cung cấp thông tin cho bên thứ 3 hay không. Pháp luật Việt Nam cho phép các bên được toàn quyền thỏa thuận nội dung với nhau. Tuy nhiên, dù có thỏa thuận nhưng phải bảo mật thông tin cho khách, nếu không sẽ vi phạm điều khoản bảo mật thông tin khách hàng. Như trường hợp của khách hàng Vũ Hiền, với những thông tin như thế ai cũng có thể thực hiện thanh toán trực tuyến, điều này có thể gây thiệt hại cho khách hàng. 

Vậy trong trường hợp này khách có thể khởi kiện? Theo ông Bùi Quang Tín chỉ khi có thiệt hại thực tế xảy ra (tiền trong thẻ của khách đột ngột bốc hơi) mới khởi kiện được, còn thực tế khi thiệt hại chưa xảy ra không thể kiện Booking cung cấp thông tin cho bên thứ 3 gây thiệt hại cho khách hàng.

Tuy nhiên khách có thể khiếu nại với công ty về vấn đề bảo mật thông tin hoặc làm thủ tục khiếu nại đến các cơ quan chủ quản của các đơn vị này. Nếu là các trang web/công ty nước ngoài, xem các văn phòng đại diện, chi nhánh, pháp nhân hợp pháp ở Việt Nam có hay không, nếu có khiếu nại trực tiếp lên cơ quan đó. Hoặc khách hàng cũng có thể nhờ trọng tài, tòa án can thiệp. 

Một số ý kiến cho rằng để tự bảo vệ mình, khách hàng nên hạn chế giao dịch ở những trang trực tuyến sử dụng theo cách này. Và đây cũng có thể là cơ hội một số trang đặt phòng trực tuyến trong nước như Vntrip có thể tận dụng do những đơn vị trong nước sử dụng nhiều phương thức thanh toán linh hoạt, an toàn và phù hợp với thói quen tiêu dùng của người Việt hơn. Về phần mình, khách hàng sau khi đặt phòng qua mạng, nên gọi điện tới khách sạn nơi đặt chỗ để kiểm tra tình trạng phòng.

Theo khảo sát của Google châu Á-Thái Bình Dương hiện có tới 48% người dùng smartphone ở Việt Nam tìm kiếm thông tin về khách sạn, 42% tìm kiếm thông tin về tour, du lịch trải nghiệm... Thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho thấy trong 5 năm trở lại đây, nhu cầu tìm kiếm các thông tin về du lịch trên mạng tại Việt Nam tăng hơn 32 lần.

Thanh Lâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét