Phần mềm quản lý khách sạn, Phần mềm quản lý resort | skyhotel.vn

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2020

Nhiều khách sạn, cơ sở du lịch chưa biết ứng dụng công nghệ thông minh

Ngày 11-4, Sở Du lịch TP HCM tổ chức tọa đàm Kinh doanh khách sạn trong thời điểm công nghệ số, trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch TP HCM năm 2019.

Theo Sở Du lịch TP, tính tới cuối năm ngoái, trên địa bàn TP có 2.937 cơ sở lưu trú du lịch các loại với hơn 60.000 phòng kinh doanh, bao gồm các khách sạn từ 1-5 sao; 1.479 cơ sở lưu trú có phòng đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch. Hệ thống dịch vụ cơ sở lưu trú phát triển góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của du lịch TP.

Ngoài ra, tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã thúc đẩy du lịch thông minh phát triển. Các doanh nghiệp du lịch ở Việt Nam đã đầu tư cho công nghệ, triển khai nhiều ứng dụng thông minh đáp ứng nhu cầu của du khách trong việc tìm kiếm, đặt dịch vụ như vé máy bay, phòng khách sạn. Không ít khách sạn ở nước ngoài đã sử dụng robot thay thế nhân viên thực hiện dịch vụ tiêu chuẩn cao, vận chuyển đồ ăn, hành lý, đồ vật ở tất cả khu vực trong khách sạn…

Nhiều khách sạn, cơ sở du lịch chưa biết ứng dụng công nghệ thông minh - Ảnh 1.

Các chuyên gia du lịch cho rằng áp dụng công nghệ 4.0 vào du lịch là tất yếu nếu muốn cạnh tranh, phát triển. Ảnh: Lam Giang

Tuy vậy, thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số tại các khách sạn trên địa bàn TP còn nhiều bất cập do thiếu chiến lược, hạn chế về nguồn vốn đầu tư, chất lượng nhân sự triển khai và việc nắm bắt các công cụ mới, hạ tầng thông tin còn yếu.

Nhiều khách sạn trong nước cũng đối mặt với khó khăn như sự kỳ vọng của khách hàng ngày càng cao, đòi hỏi khách sạn phải đầu tư vào công nghệ để nâng cao trải nghiệm của khách hàng; cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn đang gay gắt; hình thức tiếp thị theo kiểu truyền thống đã không còn hiệu quả. Chưa kể, rất nhiều khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch chưa đầu tư vào công nghệ tương xứng, vẫn sử dụng công cụ ghi chép, làm thủ tục cho khách bằng sổ sách thay vì máy tính, công nghệ...

Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên HG Holdings và Gotadi (trang web đặt phòng trực tuyến), cho biết ông đến một số khách sạn ở khu vực quận 1 và rất bất ngờ khi chủ những khách sạn này sáng nào cũng phải đến kiểm tra từ phòng ốc, chìa khóa phòng, sổ sách ghi chép… Trong khi ở những khách sạn lớn, hệ thống công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo đã được áp dụng, chủ khách sạn có thể theo dõi, quản lý bất cứ lúc nào mà không cần có mặt.

Chủ một resort ở huyện Cần Giờ thừa nhận khu du lịch của ông đến giờ vẫn chưa áp dụng công nghệ vào hoạt động phục vụ du khách và cũng chưa biết áp dụng như thế nào. Chỉ riêng việc kết nối hệ thống mạng từ nhà hàng phục vụ khoảng 200 khách tới phòng kế toán, lễ tân doanh nghiệp muốn làm thời gian qua cũng chưa được vì thiếu cả công nghệ lẫn nguồn nhân lực.

"Công nghệ 4.0 nói nhiều nhưng phải gần đây, máy POS ở khu du lịch của tôi mới thanh toán được mọi loại thẻ, trước đó chỉ chấp nhận thẻ tín dụng. Chúng tôi muốn áp dụng công nghệ nhưng thiếu nguồn nhân lực giỏi, biết sử dụng công nghệ" - ông chủ resort này bày tỏ.

Ông Nguyễn Đông Hoà, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist), nhìn nhận áp dụng trí tuệ nhân tạo vào kinh doanh ở Việt Nam trong lĩnh vực du lịch vẫn còn cơ bản như chat box hoặc hộp thư trả lời tự động. Trong khi ở các nước, trí tuệ nhân tạo được triển khai ngày càng phổ biến, nhiều khách sạn dùng thuật toán cho dịch vụ quản lý thương hiệu, quản lý khách hàng trên toàn hệ thống mạng...

"Trí tuệ nhân tạo có thể ứng dụng trong phân tích đối thủ cạnh tranh, quản lý danh tiếng online, phân tích dữ liệu, robot, cá nhân hoá dịch vụ; phân tích dữ liệu số về thị trường khách, hành vi của khách. Có điều, để áp dụng được, cần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt kinh doanh du lịch trực tuyến, ứng dụng công nghệ trong xây dựng và quảng bá sản phẩm" - ông Hòa nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét