Nên kinh doanh nhà mặt tiền như thế nào trong thời buổi khó khăn?
Trong thời buổi khó khăn như hiện nay, có rất nhiều nhà mặt tiền đang không biết làm gì ngoài việc đăng bảng cho thuê mặt bằng. Thoạt nhìn có vẻ đây là cách làm an toàn, tuy nhiên về lâu dài, khả năng sinh lợi của mặt bằng cũng chỉ có như vậy, và người chủ mặt bằng hoàn toàn bị động khi người thuê rút đi.
Khi bắt đầu công việc tự doanh, sản phẩm tuy rẻ tiền, nhưng nếu bạn chọn lựa kĩ theo những phương pháp dưới đây thì bạn hoàn toàn có thể chiếm lĩnh thị trường và đảm bảo được đầu ra của sản phẩm mà không cần phải marketing, quảng cáo.
Trước nhất bạn nên lập một bản phân tích SWOT (Strengths (những thế mạnh), Weaknesses (những điểm yếu), Opportunities (những cơ may) và Threats (những rủi ro) và tập trung vào các trở ngại của mặt bằng hiện tại: liệu mặt bằng của bạn có ở ngay đường một chiều hay không, có ở gần các nơi bị ô nhiễm âm thanh hoặc ô nhiễm không khí hay không, điều kiện cơ sở vật chất như thế nào.
Bạn lưu giữ bản phân tích này để làm căn cứ để phân tích và đánh giá các ý tưởng bên dưới.
Sau đó bạn cần nghiên cứu rõ đối tượng khách hàng của bạn
Khách hàng đi ngoài đường là loại khách nào, khách hàng lân cận là người miền nào.
1. Khách đi ngoài đường: Bạn cần chú ý về đa phần khách đi ngang qua cửa hàng của bạn thuộc dạng nào sau đây:
Nếu là khách đi đường xa thì bạn nên bán nước uống như một quán cóc vỉa hè, kết hợp với các loại phụ kiện đi xa như khẩu trang, kính mát, găng tay, nón bảo hiểm. Lợi nhuận ước tính của loại hình này ít nhất cũng đạt khoảng 50% (bán một lời một)…
Nếu là khách đi chơi thì cửa hàng bạn nên bán các sản phẩm để khách mua làm quà, như các loại đặc sản, trái cây, quần áo…
Còn khách đi làm hàng ngày thì hay chú ý đến các sản phẩm để trang trí trong ngoài nhà, hoặc các sản phẩm giúp ích cho công việc cụ thể nào đó. Trong trường hợp này thì bạn có thể kinh doanh các loại cây cảnh, đèn ốp tường, đèn ngủ, tranh treo trong nhà, hoặc các phụ kiện máy tính, phụ kiện xe máy…
2. Khách hàng lân cận: họ là những nhà hàng xóm, những người trong khu phố, trong phường, xã. Đây là những người mà bạn dễ dàng chuyển thành khách hàng thân thiết. Cho nên bạn cần phải tìm hiểu kĩ về đặc tính của họ.
Khách hàng lân cận là người miền Nam: nếu đa phần hàng xóm của bạn là người miền Nam thì bạn nên bán nhiều món có giá trị cao bên cạnh món một ít món có giá trị thấp.
Khách hàng lân cận là người miền Bắc (hoặc gốc Bắc): thì bạn nên chọn bán nhiều món có giá trị thấp bên cạnh một ít món có giá trị cao.
Sở dĩ có sự khác biệt này vì người miền Nam thường hay thích tiêu tiền cho đáng, đã không mua thì thôi, chứ nếu mua thì sẽ chọn cái có giá cao hơn là cái có giá thấp. Khi họ chọn sản phẩm có giá cao xong, thường thì họ sẽ cố gắng trả giá để được giá bằng sản phẩm của có giá thấp hơn.
Còn người miền Bắc hay có đặc tính cần cù, thích sưu tầm dần. Vì thế họ thường mua một món ít tiền, nhưng ngày nào họ cũng mua để rồi tạo ra một bộ sưu tập ở nhà mình.
Xung quanh nhà bạn người ta bán cái gì?
Người xưa thường nói – buôn có bạn, bán có phường, và tâm lý người tiêu dùng khi mua món đồ gì đó thường đi mua những nơi có nhiều người bán thì sẽ mua được giá hơn.
Sẽ không khó để bạn có thể bắt gặp ở Tp.HCM những khu phố bán máy công cụ ở ngã ba Lý Thường Kiệt, Lạc Long Quân, hoặc khu ăn uống ở nhà thờ Xóm Chiếu, Q4, hoặc khu bán dù ở chợ Dân Sinh, vv. Nếu ở gần nhà bạn có nhiều cửa hàng bán sản phẩm gì thì bạn cũng nên cân nhắc bán món đồ đó.
Chúng ta có thể nghĩ ra một hướng khác là bán những sản phẩm bổ trợ cho những sản phẩm được nhiều người bán như trên. Ví dụ, xung quanh bạn người ta bán cây cảnh nhiều, thì bạn hãy bán phân bón, thuốc trừ sâu…
Như vậy bạn dễ dàng hơn trong việc chiếm lĩnh thị trường và giảm thiểu chi phí cho việc quảng cáo.
Yếu tố cần xem xét cuối cùng là xã hội đang cần những món gì?
Đó là những nhu yếu phẩm cần thiết để phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày. Rõ ràng là dù có khó khăn thế nào, người ta cũng phải ăn và cũng phải đi lại thôi. Theo đó, bạn có thể mở một cửa hàng ăn uống nho nhỏ, hoặc một cửa hàng bán tạp hóa kèm bán xăng lẻ để thu lợi nhuận mà không sợ ế hàng.
Trên đây là một vài ví dụ của tôi để bạn bắt đầu kinh doanh. Chắc chắn là còn nhiều yếu tố quyết định đến việc chọn sản phẩm kinh doanh của bạn. Tuy nhiên, bốn yếu tố trên là những điều cần thiết không thể không tính đến.
Khi bạn đã có mặt bằng, hãy cố gắng tận dụng lợi thế mặt tiền của mặt bằng đó để bớt đi các chi phí quảng cáo và khai thác tối đa lượng khách qua đường mà bạn có được.
Chúc bạn thành công!
Nguyễn Bá Quá
(Theo Vnexpress)
Tăng doanh thu với Phần mềm quản lý khách sạn Skyhotel
Nên kinh doanh nhà mặt tiền như thế nào trong thời buổi khó khăn?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét